Người thông minh sẽ lựa chọn lời nói của mình một cách khôn ngoan. Và họ sẽ không bao giờ nói những điều này trong công việc của mình. Giao tiếp công sở là một nghệ thuật, và người thông minh sẽ biến môn nghệ thuật đó thành thế mạnh nếu không bao giờ nói những điều sau đây.
“Thật không công bằng!”
Cuộc đời nào công bằng! Nhưng nói rằng mọi thứ không công bằng có nghĩa là bạn tin mọi thứ trên cuộc đời này phải bình đẳng, điều này sẽ khiến bạn có vẻ trẻ con và thiếu hiểu biết. Nếu bạn không muốn hình tượng của bản thân xấu đi trong mắt mọi người, hãy bám sát thực tế, có thiện chí xây dựng và bỏ qua việc giải thích.
Nghệ thuật giao tiếp chốn công sở là một “bài học trường đời” mà bạn sẽ luôn cảm thấy còn thiếu sót.
Ví dụ, thay vì nói rằng bản thân phải nhận lấy bất công, bạn có thể nói: “Tôi muốn biết lý do tại sao bạn cảm thấy rằng tôi không phải là một người phù hợp, bởi vì tôi có thể cố gắng phát triển những kỹ năng đó.”
“Không thành vấn đề!”
Nếu ai đó nhờ vả bạn làm một điều gì đó, hay cảm ơn bạn vì đã giúp họ, và bạn nói rằng không có vấn đề gì, điều đó có nghĩa là lời cảm ơn của họ sẽ trở thành vấn đề. Điều này khiến bạn cảm giác như họ “đang ngồi trên bạn” và có thể sai khiến bạn bất cứ lúc nào.
Mọi mối quan hệ trong công sở đều cần sự bình đẳng ngay cả khi là giữa sếp và nhân viên.
Vì vậy, khi bạn giúp đỡ một ai đó, thay vì nói không thành vấn đề, hãy sử dụng thủ thuật giao tiếp “từ chối nhẹ nhàng thôi” bằng cách khen họ rằng có thể chính họ sẽ làm tốt hơn cả bạn vào lần sau, ai lại chẳng muốn được khen ngợi để cố gắng hơn, không phải sao?
“Tôi vẫn luôn làm theo cách đó”
Thái độ bảo thủ thật sự khiến bạn tụt hậu.
Bảo thủ chính là việc người ta thường không muốn nghe lời khuyên hay ý kiến từ người khác mà chỉ khăng khăng cho lý tưởng của bản thân. Không chấp nhận sự thật, không chịu nhận mình sai mà thường hay “cãi cùn” trong những cuộc tranh luận và trở nên nóng nảy.
Người bảo thủ thường từ chối lắng nghe và bướng bỉnh khiến họ khó chấp nhận cái mới và cứ phải sống mãi trong lối nghĩ cũ, khó thay đổi, không linh động. Thậm chí dù biết mình sai vẫn cố chấp bảo vệ cái tôi cá nhân thay vì chấp nhận ý kiến và thay đổi.
Bảo thủ còn là thái độ không dám thừa nhận sai lầm, không dám phủ định cái cũ để xây dựng một cái mới hoàn chỉnh hơn, tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Cá nhân bảo thủ thì đầu óc tối tăm và lạc hậu. Người bảo thủ sẽ rất khó phát triển khi xã hội đang thay đổi và phát triển từng ngày.
Thế nên, đừng bao giờ bảo thủ trong công việc, nếu sếp hoặc cộng sự thắc mắc về cách bạn thực hiện mọi việc, đừng tỏ ra lười biếng và không muốn thay đổi. Điều này sẽ khiến họ nghĩ rằng bạn không cố gắng cải thiện và vì mục tiêu chung.
Thế giới thay đổi mỗi ngày và có khi những điều bạn vừa làm hôm qua sẽ trở nên lỗi thời ngay hôm nay, hãy cởi mở học hỏi những điều mới, biết càng nhiều thì chỉ càng có lợi cho bạn mà thôi.
“Đó không phải lỗi của tôi!”
Theo một nghiên cứu khoa học của trường Stanford, hành vi đổ lỗi có tính chất lây lan. Trong nghiên cứu này, người chứng kiến việc một ai khác đổ lỗi sai sót thì cũng có xu hướng đổ lỗi thất bại của mình cho những người hoặc sự việc không liên quan. Nói cách khác, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân và sau đó là tác nhân của “trò chơi đổ lỗi” này.
Vì tính chất lây nhiễm này, đổ lỗi đã dần hình thành nên thói quen trong xã hội ngày nay. Thậm chí đôi khi chúng ta không nhận ra mình đã và đang trở thành một phần của “văn hoá đổ lỗi”.
Thời điểm bạn đổ lỗi hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho ai đó là thời điểm mọi người sẽ bắt đầu nhìn nhận bạn như một cá nhân thiếu trách nhiệm và tinh thần đồng đội. Khi có việc phát sinh dẫn đến sự cố, ngay cả khi không phải lỗi của bạn, hãy tìm cách khắc phục và trình bày cách giải quyết thay vì giải thích lỗi ấy thuộc về ai.
Điều này sẽ khiến mọi người an tâm hơn và đánh giá bạn cao hơn.
Vì vậy, hãy tránh phát ngôn một cách bốc đồng trong những tình huống này. Hãy nhớ, khi bạn đổ lỗi cho ai đó, thì lần sau họ sẽ càng tấn công và đổ lỗi cho bạn khi có vấn đề xảy ra.