“Bí quyết” giúp con chinh phục trường chuyên thành công

Đỗ chuyên là mong muốn, mục tiêu phấn đấu của nhiều học sinh, gia đình bởi trường chuyên là môi trường tốt để các con có tiềm năng rèn luyện, tỏa sáng, là cái nôi nuôi dưỡng những học sinh tiềm năng để trở thành những con người xuất sắc,…

VN có hệ thống trường chuyên THPT chất lượng phủ khắp các tỉnh, thành cả nước. Ở Hà Nội có 4 trường thuộc đại học, trong đó có 3 trường thuộc ĐHQG Hà Nội gồm Chuyên KHTN, Chuyên Ngoại ngữ và Chuyên KHXH & NV, 01 trường Chuyên Sư phạm thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cùng với đó, có 4 trường chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong đó có 2 trường chuyên là Chuyên Amsterdam, Chuyên Nguyễn Huệ, 2 trường có hệ chuyên là Chu Văn An và Sơn Tây.

Ở TP HCM có Chuyên Trần Đại Nghĩa, chuyên Lê Hồng Phong, Trường Phổ Thông Năng Khiếu.

Các tỉnh, thành cũng có trường chuyên của mình, trong đó có những trường với tên tuổi “khét lẹt” cả về thành tích của học sinh trong các giải thi quốc tế, về độ lớn của mức thưởng, về cơ ngơi bề thế, hoành tráng,…

Thực tế cho thấy trường chuyên là điểm sáng nhất, nổi bật nhất trong bức tranh giáo dục phổ thông Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây. Với nhiều ưu điểm vượt trội, sức hút lớn và bởi vậy, để thi đỗ trường chuyên chưa bao giờ dễ dàng, nhất là các trường hàng đầu ở Hà Nội như Chuyên KHTN, Chuyên Amsterdam, Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Sư phạm,…

Là người trong cuộc với kinh nghiệm giúp 2 con chinh phục thành công trường chuyên, con trai đầu sinh năm 2008 đang học Chuyên TIN KHTN, con gái út sinh năm 2009 chuẩn bị nhập học chuyên Toán KHTN vào ngày 8/7/2024.

Thể theo nguyện vọng của một số bạn đọc, người viết chia sẻ một số kinh nghiệm giúp con chinh phục trường chuyên từ góc nhìn chiến lược, chiến thuật. Người viết chỉ chia sẻ kinh nghiệm từ góc nhìn cá nhân, tiếp nhận thế nào tùy theo người đọc, vì hai con đều thi môn chuyên là môn toán nên trong bài viết tập trung nhiều về môn toán.

Đặt mục tiêu rõ ràng, thực tế

Xác định mục tiêu rõ ràng, thực tế rất quan trọng bởi đó là vừa là cái đích để con tập trung hướng tới vừa cho biết con cần làm gì để đến được đích đó.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh cả hai thái cực thái quá là đặt mục tiêu quá cao vượt quá năng lực của con, khiến con có thể bị sốc dễ bỏ cuộc hay chiều ngược lại quá thấp, không phát huy hết năng lực của con, khiến con giảm động lực.

Để xác định mục tiêu phù hợp cũng như lập kế hoạch và lộ trình ôn luyện để đạt mục tiêu, cần trả lời thấu đáo các câu hỏi như mục tiêu cụ thể của con là gì? Hiện tại con đang ở đâu so với mục tiêu? Thời gian còn lại bao lâu? Độ quyết tâm của con thế nào? Con chăm chỉ hay không chăm chỉ? Con tiến bộ nhanh hay bình thường?,…

Cần tìm hiểu kỹ đề thi và điểm chuẩn các năm gần nhất của mỗi trường chuyên để nắm được ngưỡng đỗ và cấu trúc đề của mỗi trường để xác định mục tiêu phù hợp cũng như lập kế hoạch và lộ trình ôn luyện để đạt ngưỡng và vượt ngưỡng.

Việc nắm được ngưỡng đỗ rất quan trọng bởi lẽ một khi con đã đạt ngưỡng và vượt ngưỡng thì chuyện con đỗ đồng loạt 2 hay 3 trường chuyên là bình thường, ngay cả trong trường hợp con có sơ sẩy trong làm bài thi ở một hay hai trường nào đó thì con vẫn đỗ ở các trường khác.

Chẳng hạn, với chuyên Toán hay chuyên Tin KHTN, chuyên Toán Sư phạm bình quân 7 điểm là ngưỡng đỗ. Với chuyên KHTN cả toán điều kiện và toán chuyên đều rất thách thức, cấu trúc đề của chuyên KHTN giống nhau các năm, với đặc trưng đặc sắc là câu C bài hình và bài tổ hợp siêu thách thức. Bởi vậy, đặt mục tiêu đạt ngưỡng 9 – 10 điểm của chuyên KHTN là vô cùng thách thức.
Với chuyên Sư phạm thì đề khá lạ nhưng không quá khó so với chuyên KHTN vào do vậy, đặt mục tiêu đạt ngưỡng 9-10 điểm không phải là quá thách thức.

Chiến lược, chiến thuật khôn ngoan

Cần có chiến lược, chiến thuật khôn ngoan giúp con đẩy nhanh tiến độ đạt ngưỡng và vượt ngưỡng đỗ.

Cần chọn môn thi chuyên theo sở trường, thế mạnh chứ không phải môn con hay phụ huynh thích bởi lẽ tập trung vào phát huy sở trưởng, thế mạnh giúp con gia tăng cơ hội đỗ chuyên do điểm môn chuyên tính hệ số 2 nên chiếm tỷ trọng lớn.

Lập kế hoạch và lộ trình ôn luyện khoa học và bài bản để nhanh đạt ngưỡng, với các con lứa 2010, cho con làm thử các đề thật ở các năm trước để biết năng lực của con đang ở đâu so với ngưỡng. Nếu kết quả làm thử chỉ loanh quanh tầm 4 và 5 điểm thì lập kế hoạch và lộ trình đạt ngưỡng đỗ, chứ lập kế hoạch ôn luyện vượt ngưỡng đỗ là không thực tế. Cụ thể, thi chuyên Toán hoặc chuyên Tin KHTN có nghĩa là kế hoạch ôn luyện dồn lực tập trung làm thật chắc các dạng bài ngoài câu C bài hình và bài tổ hợp. Vì đây là những bài “thách đố” lớn chỉ dành cho một số cá nhân siêu xuất sắc và có thời gian dài khổ luyện, không phải một sớm một chiều đạt được.

Với các con ở các lứa từ 2011 trở về đây thì có thể căn cứ vào điểm kiểm tra ở các lớp học ôn luyện để biết thực lực, tốc độ tiến bộ của con,… Nếu con có tố chất tốt, tiến bộ nhanh, quyết tâm lớn có thể lập kế hoạch ôn luyện vượt ngưỡng đỗ.

Hơn nữa, cho con làm thử bài nếu con thừa thời gian mà không làm hết bài thì có thể con đang bị hổng kiến thức ở các dạng bài đó. Nếu con biết làm nhưng sai kết quả, chứng tỏ con chưa cẩn thận. Nếu có thêm thời gian, con vẫn làm thêm được là do tốc độ suy nghĩ và tính toán của con chậm, đang bị lòng vòng ở chỗ nào đó,…

Ở mỗi trường hợp cần có phương án cụ thể cải thiện, chẳng hạn, đối với trường hợp tốc độ suy nghĩ và tính toán chậm, đang bị lòng vòng ở chỗ nào đó thì cần cho con ôn luyện nhiều đề, tiếp xúc với nhiều dạng toán đa dạng khác nhau để cải thiện khả năng ứng biến, khả năng tư duy và tốc độ làm bài,…

Với các con tập trung kém, phụ huynh cần trao đổi ngay với thầy để cho ngồi ở bàn đầu sát thầy để giám sát, bởi khi con không tập trung chú ý nghe giảng sẽ không hiểu bài và do vậy rất dễ bị trượt dài, ngày càng đuội, không theo kịp, sinh ra chán nản sợ học, không muốn học,…

Một điểm khác, với các con có tâm lý yếu thì cần phải cho con tham gia nhiều kỳ thi để con “chai sạn” có tâm lý vững vàng khi thi thật.

Chọn thầy ôn luyện phù hợp với mục tiêu

Lựa chọn thầy ôn luyện phù hợp để đạt mục tiêu, chẳng hạn, nếu mục tiêu thi vào chuyên KHTN, nhất là chuyên Toán và chuyên Tin, thậm chí các chuyên khác cũng vậy cần tìm đến những thầy giỏi, giàu kinh nghiệm vì cả toán điều kiện và toán chuyên của chuyên KHTN rất thách thức, cần lưu ý ở đây là chọn thầy, không phải chọn trung tâm, vì trung tâm có rất nhiều lớp, cần vào được lớp do chính thầy dạy đã có nhiều học sinh đỗ ở các năm trước,…

Hơn nữa, cần lựa chọn thầy phù hợp với mỗi giai đoạn và mục tiêu của con, nhất là với các con ôn luyện sớm, khi con đạt một trình độ nhất định rồi thì có thể chuyển sang thầy ôn luyện ở cấp độ cao hơn phù hợp với mục tiêu của con, nếu bố trí được thì có thể ôn luyện song song để kết hợp thế mạnh của mỗi thầy, tuy nhiên, không nên học quá nhiều thầy, tối đa là hai thầy một môn.

Một điểm nữa là việc mời gia sư dạy kèm chỉ có giá trị bổ trợ, không thể thay thế cho việc học các thầy giỏi, giàu kinh nghiệm ở trung tâm, nhất là với các con có mục tiêu thi vào các trường chuyên hàng đầu như chuyên KHTN, Amsterdam, Sư phạm,…

Đồng hành sát cánh cùng con

Thi chuyên áp lực rất lớn nên không thể bỏ mặc con tự bơi, tự chiến đấu một mình mà cả gia đình cùng nhập cuộc, đồng hành sát cánh cùng con trong suốt hành trình, cùng con đặt mục tiêu, chọn môn thi chuyên, lập kế hoạch và lộ trình ôn luyện, chọn thầy đến những công việc hậu cần như bố trí thời gian đưa đón con đi học, không gian và thời gian học tập, chăm lo sức khỏe thể chất, tâm lý, tinh thần,…

Tóm lại, để con thành công trong cuộc đua vô cùng thách thức này, con có tố chất thôi chưa đủ, một bàn tay không tạo nên tiếng vỗ, mà là cả quá trình khổ luyện của con cùng sự đồng hành sát cánh của phụ huynh, với chiến lược, chiến thuật khôn ngoan,…

Phụ huynh cần sát sao, làm tất cả những gì tốt nhất có thể một cách khoa học, bài bản với tình yêu thương vô điều kiện để con thi thố tài năng của mình để mai sau khi những tháng năm tuổi học trò đã “một đi không trở lại”, các con không ngậm ngùi hối tiếc vì đã dám ước mơ và đã được tạo điều kiện tốt nhất để theo đuổi giấc mơ, phụ huynh cũng không phải lăn tăn giá như, giá mà vì đã làm tất cả những gì có thể để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con của mình.

(Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội)